Bằng việc nghiên cứu đánh giá tai biến địa chất, các chuyên gia địa chất công trình ở phía Nam đã phát hiện nhiều nguy cơ sụt lún tại các khu vực như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp…


Đóng góp thực tế…

Cụ thể, Bộ môn Địa chất - Công trình - Địa chất Thủy văn (Khoa Địa chất Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) đã áp dụng nguyên lí về đất lún ướt đưa các nguyên nhân gây hư hại nghiêm trọng các công trình thuộc nhà máy giấy Linh Trung (Thủ Đức) đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục sự cố này.

Tai biến địa chất gây lún nứt nhiều nhà cửa ở khu vực Hố Nai (Đồng Nai) cũng được các chuyên gia thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam phân tích và xác định rõ nguyên nhân. Ngoài ra, các chuyên gia địa chất công trình ở phía Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu hiện tượng sạt lở bờ sông TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đưa ra công nghệ thích hợp để giữ ổn định cho bờ sông.

Một đơn vị khoa học công nghệ (Tổng hội Địa chất Việt Nam) tại phía Nam đã triển khai áp dụng công nghệ mới của Nhật Bản trong việc xử lý gia cố nền đất yếu và các tai biến như: trượt lở, sạt bờ sông, chống thấm kênh mương và hồ chứa.

Thậm chí, khi xảy ra các sự cố xây dựng công trình như công trình tòa nhà Pacifice, chung cư Residence, đường và cầu Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) các chuyên gia địa chất công trình ở phía Nam đều có ý kiến phân tích nguyên nhân gây ra sự cố. Đồng thời lên tiếng cảnh báo những tai biến địa chất có thể xảy ra ở một số vùng tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ tương tự như tai biến địa chất đã xảy ra tại phường Phước Long A, quận 9 (TP.HCM).

 

Sạt lở tại Nhà Bè...(Ảnh: L.D.A)

 

Dự báo từ 30 năm trước về các tai biến địa chất khu vực TP.HCM

PGS.TS Đặng Hữu Diệp - Ủy viên Chủ tịch đoàn Tổng hội Địa chất Việt Nam - cho biết, tai biến địa chất là hậu quả tất yếu do môi trường địa chất bị biến đổi bởi tác động của các yếu tố tự nhiên hoặc nhân tạo.

Tai biến địa chất thể hiện qua những hiện tượng địa chất hoặc địa chất công trình như: trượt lở, xâm thực bờ sông và biển, động đất, lún ướt, biến dạng nền móng công trình...

Theo PGS.TS Đặng Hữu Diệp, từ những năm 1982 trên cơ sở nghiên cứu lịch sử phát triển cấu trúc địa chất khu vực và quá trình hình thành cấu trúc địa mạo khu vực và các yếu tố về khí hậu - địa lý, quy luật phát sinh và phát triển các hiện tượng địa chất động lực công trình ông đã phát hiện tính không đồng nhất về điều kiện địa chất công trình khi vực TP.HCM, nó được thể hiện bằng quy luật phân chia rõ ràng.

Cụ thể, những biến đổi của môi trường địa chất địa phương như: việc xây dựng các khu đô thị lớn, thi công đào nhiều hố móng sâu, xây dựng nhiều tuyến đường với mật độ xe cộ lớn… cộng với các biến đổi về thời tiết và khí hậu đã gây nên những tai biến địa chất tại khu vực TP.HCM như:

Hiện tượng lún nền móng công trình cầu Văn Thánh 2 và đường dẫn vào cầu Nguyễn Hữu Cảnh; Sự cố xảy ra tại công trường xây dựng cao ốc Dân ca do hố móng lún sụt làm một phần chung cư kế bên (số 23 Lê Quý Đôn) bị sập và tuyến ống nước bị vỡ. Sự cố công trình do hiện tượng xúc biến của đất nền gây ra tại công trường xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I trên địa bàn huyện Bình Chánh (T5-T10/2005).

Một ví dụ thực tế nữa có thể xác nhận rõ ràng cho dự báo về những tai biến địa chất đó là hiện tượng xâm thực bờ sông tại khu vực TP.HCM. Tai biến xâm thực bờ sông cũng đã được dự báo cách đây gần 30 năm trên bản đồ phân vùng địa chất công trình khu vực TP.HCM.

“Các tai biến địa chất đã, đang và sẽ xảy ra tại khu vực TP.HCM đã chứng minh cho tính chính xác của các dự báo có trước đó 30 năm. Những dự báo này được đưa ra trên cơ sở nhận thức các đặc điểm chủ yếu của môi trường địa chất địa phương và bản chất của các tai biến địa chất mà biểu hiện cụ thể là các hiện tượng địa chất - địa chất công trình”- PGS.TS Đặng Hữu Diệp cho biết


Sụt lún đe dọa đến cuộc sống của người dân...

Cần quan tâm đến chất lượng khảo sát địa chất công trình

PGS.TS Đặng Hữu Diệp cho biết, có nhiều lí do để quan tâm đến việc nâng cao chất lượng địa chất công trình. Bởi vì việc xây dựng các công trình đều phải tuân thủ theo một quy trình bắt buộc: khảo sát - thiết kế - thi công - hoàn thiện. Trong đó, khâu khảo sát địa chất công trình phải là bước đi đầu tiên và cần được quan tâm trong suốt tiến độ thực hiện.

Ngòai ra, PGS.TS Đặng Hữu Diệp còn khẳng định, bất cứ công trình nào cũng cần quán triệt nguyên tắc “an toàn, kinh tế” trên cơ sở khảo sát công trình bằng những thông tin chính xác, số liệu tin cậy cùng với những dự báo rủi ro đúng về môi trường địa chất và những biến đổi có thể xảy ra.

Một lí do nữa khiến chúng ta phải quan tâm đến chất lượng khảo sát địa chất công trình là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay thì cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy mà quy trình về xây dựng, cũng như yêu cầu về khảo sát công trình phải đạt chất lượng cao. Khi đó thiết kế xây dựng mới có thể thiết kế dạng móng và kết cấu phần trên móng sát hợp với nền đất, đá và môi trường địa chất tại địa điểm xây dựng mới có thể quán triệt được nguyên tắc “an toàn - kinh tế”.

“Địa chất công trình được xem như là người lính trinh sát, đi trước tìm hiểu, đánh giá thực chất môi trường địa chất. Vì vậy, ngoài việc cần quan tâm đến chất lượng khảo sát các công trình, mà còn đòi hỏi các đơn vị chức năng khảo sát địa chất công trình phải nỗ lực về mọi mặt bởi đối với bất kì công trình nào dù lớn hay nhỏ, dù bình thường hay quan trọng nhưng nếu xảy ra sự cố đều gây tổn thất cho người dân và xã hội” PGS.TS Đặng Hữu Diệp khẳng định.

Tin VietNamNet

 


  • Chia sẻ :