Khảo sát địa chất là công việc có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng công trình, nhất là ở những nơi có điều kiện địa chất phức tạp, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã xem thường, từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng.


Khoan thăm dò địa chất trước khi xây dựng tại một cao ốc ở quận 3 - TPHCM. Ảnh: T.Thắng.

Hàng loạt công trình nhà cao tầng đã và đang được xây dựng trên địa bàn TPHCM, nhưng việc các chủ đầu tư lơ là, thậm chí coi thường việc khảo sát địa chất đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Đây là sự cảnh báo cần thiết cho những chủ đầu tư có tâm lý coi thường... “thổ địa”!

Bao nhiêu lỗ, sâu đến đâu là vừa?


Hồ sơ khảo sát địa chất là thành phần không thể thiếu trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật dự án... Một chủ đầu tư dự án cao ốc trên đường Võ Văn Tần, quận 3 khi triển khai việc khoan thăm dò để lập hồ sơ khảo sát địa chất cũng khá băn khoăn khi cùng lúc có 3 đơn vị chào mời khoan địa chất. Dù diện tích dự án chỉ nhỉnh hơn 1.000 m2, nhưng một đơn vị chào khoan 5 lỗ, sâu 70 m với giá 250 triệu đồng.

Một đơn vị khác cho rằng chỉ cần khoan 3 lỗ, sâu 70 m với giá 150 triệu đồng là đủ. Song, đơn vị cuối cùng lại đưa ra giá cực “sốc”, chỉ 70 triệu đồng cho 3 lỗ khoan với chiều sâu 60 m. Trước tình hình đó, chủ đầu tư đành phải cậy nhờ một kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm tư vấn, theo ông, do khu đất dự án này nằm trên vỉa đất cứng nên chỉ cần chọn phương án 3 là đủ.

Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng chú trọng đến kết quả khoan khảo sát địa chất, dù đây là phần việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiết kế xây dựng công trình ở những nơi có điều kiện địa chất phức tạp, công trình nhà cao tầng, công trình ngầm... Ngoài ra, do giá thành thực hiện chiếm một phần không nhỏ trong dự án nên nhiều chủ đầu tư thường chọn giải pháp làm cho có để đối phó với cơ quan cấp phép.

Sập nhà, lòi ra khảo sát địa chất kém

Khi các công trình xây dựng gặp sự cố, cơ quan chức năng nhảy vào kiểm tra lại hồ sơ mới phát hiện một phần là do công tác khảo sát địa chất có vấn đề. Đơn cử như trong quá trình xây dựng cao ốc Pacific (quận 1) do Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, làm sập toà nhà Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ làm thiệt hại sơ bộ 4,6 tỉ đồng.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, dù diện tích khuôn viên đất lên đến 8.000 m2 nhưng chủ đầu tư chỉ cho khoan thăm dò địa chất 3 vị trí, trong đó có 2 vị trí không đạt yêu cầu (chỉ khoan 45 m) và một vị trí đạt yêu cầu là 48 m nhưng chủ đầu tư vẫn dùng kết quả này để “đại diện” cho cả công trình. Do đó việc đào trúng “mỏ” nước ngầm dẫn đến sập công trình lân cận không có gì khó hiểu. Tương tự, việc xây dựng cao ốc Sài Gòn Residences (quận 1) làm nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu , nguyên nhân cũng do đụng... nước ngầm.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số công trình còn có hiện tượng các đơn vị khảo sát địa chất không khoan khảo sát địa chất tại khu đất sẽ xây công trình hoặc chỉ làm cho có. Sau đó bắt tay với chủ đầu tư sử dụng kết quả khảo sát địa chất từ một khu vực lân cận để đưa vào hồ sơ nhằm qua mặt cơ quan chức năng khi thẩm duyệt hồ sơ xin phép xây dựng.

Xử lý nhẹ hều!


Theo thống kê sơ bộ, từ giữa tháng 10-2007 đến nay, tại TPHCM đã có gần chục vụ sụt lún do thi công tầng hầm và các công trình dân dụng gây ra, dù chưa có thiệt hại về người nhưng số tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả không nhỏ. Vụ cao ốc Pacific, ngoài việc bị khởi tố, chủ đầu tư còn phải tốn số tiền lớn để khắc phục. Tương tự, vụ làm nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu, chủ đầu tư cao ốc Sài Gòn Residences phải chi hàng tỉ đồng để mướn nhà cho người dân bị ảnh hưởng ở tạm, chưa kể số tiền phải bỏ ra để khắc phục sự cố.

Một vấn đề đáng lưu ý, dù việc khảo sát địa chất kém có thể gây ra hậu quả nặng nề, song việc xử lý những sai phạm lại rất nhẹ. Theo Sở Xây dựng, đơn vị khảo sát địa chất cao ốc Pacific là Trung tâm Cầu đường phía Nam, dù thực hiện việc khảo sát không phù hợp quy mô công trình, dẫn đến không phát hiện được nước ngầm, riêng cá nhân chủ nhiệm khảo sát không có chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng theo quy định, việc xử lý đối với Trung tâm Cầu đường phía Nam cũng chỉ dừng lại ở mức... phạt hành chính 15 triệu đồng và đình chỉ hoạt động tư vấn khảo sát xây dựng trên địa bàn TPHCM trong 2 năm. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý các công trình xây dựng hiện nay.

Rô bốt chìm cũng do khảo sát địa chất?

Việc thi công dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến nay đã có 2 rô bốt (đầu kích) bị chìm, trong đó có một rô bốt chìm do lọt vào túi bùn. Ông Zhang Zong Xi, Giám đốc Công ty TMEC-CHEC.3 (Trung Quốc), đơn vị thi công gói thầu số 7 của dự án, lo ngại: “Dường như đơn vị thiết kế không nghiên cứu kỹ địa chất dòng kênh, không nắm bắt thực tế nên có nhiều chỗ thiết kế thiếu chính xác. Trong quá trình thi công, chúng tôi phải thay đổi thiết kế một số chỗ để tránh bị chìm rô bốt”.

Còn theo TS Trương Đình Hiển, Phân viện Vật lý tại TPHCM-Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia, tài liệu địa chất công trình mà báo cáo nghiên cứu khả thi dự án rất ít và sơ sài. Đơn vị khảo sát địa chất đã khoan 41 lỗ ở hai bên bờ kênh, trong khi đó, trục giữa kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là vị trí để đặt cống bao ngầm hoàn toàn không có một lỗ khoan địa chất nào.

Tin - DiaOcOnline

  • Chia sẻ :