09/04/2011

UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng rà soát và đưa ra biện pháp xử lý với nhà nghiêng. Ngoài 170 chung cư cũ xuống cấp, nghiêng, lún, nhiều nhà ở riêng lẻ tại TPHCM cũng đang bị nghiêng.


Hàng chục ngôi nhà nghiêng

Một người dân sống tại phường 26, quận Bình Thạnh - TPHCM cho biết trước đây, khu vực này là đất ruộng và ao rau muống nên nếu thi công ẩu, nhà nghiêng là điều tất nhiên.

Ngoài ngôi nhà 6 tầng ở số 190 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh bị nghiêng 0,5 m, hiện nay tại phường 26 còn hơn chục ngôi nhà khác đang trong tình trạng tương tự.


nhà nghiêng - khảo sát địa chất

Ngôi nhà số 130 Chu Văn An, quận Bình Thạnh - TPHCM (x) đang nghiêng sang ngôi nhà có lớp học dành cho trẻ chậm phát triển. Ảnh: Phạm Dũng

Theo ghi nhận, trên đường Chu Văn An đoạn từ ngã tư Đinh Bộ Lĩnh đến cầu Chu Văn An, chỉ vài trăm mét nhưng có hơn chục ngôi nhà bị nghiêng.

Đáng chú ý, ngôi nhà số 226 Chu Văn An, phường 26 bị nghiêng gần 0,5 m, làm 2 ngôi nhà kế bên (số 224 và 222) bị nghiêng theo. Cũng giống như nhiều ngôi nhà khác, chủ ngôi nhà này đã che chắn khoảng hở do bị nghiêng bằng nhiều miếng tôn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, sống gần ngôi nhà số 226, cho biết: “Ngôi nhà này bị nghiêng từ nhiều năm qua nhưng chưa thấy xảy ra sự cố nên người dân cũng dần “quên” đi. Gần đây, khi thấy một ngôi nhà 5 tầng ở Hà Nội bị sụp, chúng tôi mới cảm thấy lo lắng”.

Hiện nay, dọc theo đường Chu Văn An còn rất nhiều ngôi nhà khác có độ nghiêng từ 0,2 m đến 0,4 m nhưng người dân vẫn bình thản sống và chưa có biện pháp cải thiện nào. Không chỉ nhà cao tầng, ở khu vực này, nhiều ngôi nhà chỉ có một lầu cũng đã bị xiêu vẹo.

Một số người dân ở khu vực có nhiều nhà bị nghiêng cho biết nhiều chủ có nhà bị nghiêng đã “bỏ của chạy lấy người”. Điển hình như ngôi nhà số 130 Chu Văn An, sau khi bị nghiêng, từ nhiều năm qua, ngôi nhà này đã bị bỏ hoang. Nhưng điều đáng quan tâm hơn, cạnh ngôi nhà hoang bị nghiêng này là một lớp học dành cho trẻ chậm phát triển.

 

nhà nghiêng - khảo sát địa chất

Nhà số 226 Chu Văn An (x), quận Bình Thạnh - TPHCM nghiêng hơn 0,5 m, khiến 2 nhà bên cạnh nghiêng theo. Ảnh: Phạm Dũng.

Một phụ huynh có con học trong trường học này lo ngại: “Thấy ngôi nhà này bị nghiêng về phía lớp học, tôi rất lo lắng. Mỗi ngày đến đón con, tôi không dám nhìn lên phía trên vì càng nhìn càng sợ. Tuy vậy, việc chuyển trường cho con là không đơn giản”.

Nguy hiểm nhất ở khu vực này có lẽ là ngôi nhà 5 tầng ở số 169 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh đang bị nghiêng hơn 0,5 m. Một người dân gần đấy cho biết: “Ngôi nhà này nghiêng cách đây 10 năm, nhiều lần thấy chính quyền xuống nhắc nhở nhưng chủ nhà cứ hẹn dần mà không khắc phục. Sống ở đây mà cứ nơm nớp lo bị nhà đổ đè”.

Trong khi phía sau ngôi nhà hết sức nguy hiểm này là công trình Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh đang trong giai đoạn hoàn tất và sẽ đưa vào sử dụng trong mùa khai giảng năm học sắp tới. Vì vậy, vấn đề an toàn cho khu vực này cần sớm được đặt ra.


Khẩn trương xử lý

Trước đó, ngày 7-4, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đã đến kiểm tra thực tế ngôi nhà số 190 Đinh Bộ Lĩnh. Theo nhận định ban đầu, ngôi nhà này bị nghiêng có thể do móng yếu. Đây là hiện tượng lún cục bộ nên nhà bị nghiêng không thể do nền đất mà chỉ có thể do sai sót trong quá trình thi công hoặc yếu kém trong khảo sát.

Sở Xây dựng đã đề nghị quận Bình Thạnh nhanh chóng yêu cầu chủ đầu tư ngôi nhà này thuê đơn vị khảo sát, tìm nguyên nhân cụ thể để có hướng khắc phục, đồng thời rà soát lại hồ sơ xây dựng của ngôi nhà vì không loại trừ trường hợp xây lố tầng. Cũng theo ông Hiệp, trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh còn khá nhiều căn nhà bị nghiêng, lún với nhiều mức độ khác nhau.

Cũng trong ngày 7-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát chất lượng công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP, tập trung vào các trường hợp nhà hư hỏng, nghiêng, lún nguy hiểm để có phương án phòng tránh sự cố.

Chiều hôm qua, 8-4, Sở Xây dựng TPHCM đã gửi công văn đến 24 quận, huyện để hướng dẫn kiểm tra, rà soát các công trình nhà ở riêng lẻ. Theo đó, đối với những căn nhà có biểu hiện nghiêng, lún, UBND quận, huyện phải buộc chủ nhà hoặc chủ sử dụng thuê tư vấn, kiểm định đủ năng lực để đánh giá hiện trạng, đề xuất biện pháp khắc phục và có thời hạn cam kết hoàn thành.

Trường hợp nghiêng, lún nguy hiểm phải cương quyết buộc chủ nhà khắc phục hoặc áp dụng cưỡng chế di dời, không được tiếp tục sử dụng.


Lỗi từ thiết kế, thi công

Ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TPHCM, nhận định hiện tượng nhà nghiêng, lún đã xảy ra trên địa bàn TPHCM khá nhiều và cũng không phải mới. Có công trình tự lún, nghiêng nhưng cũng có công trình bị ảnh hưởng bởi các công trình khác. Song phần lớn lỗi chính là từ khâu thiết kế và thi công.

“Địa chất TPHCM có phần phức tạp, có nơi chỉ cách nhau 10m mà kết cấu địa chất đã khác nhau. Trên nền đất yếu vẫn có thể xây nhà cao tầng nhưng quan trọng là giải pháp nền móng. Thực tế, thời gian qua, người dân thường tự thiết kế rồi gọi thợ đến xây nhà. Chủ công trình thường chưa quen với việc thuê đơn vị khảo sát địa chất, thiết kế. Thậm chí, nhiều công trình có vốn đầu tư lớn nhưng vì tiếc tiền mà chủ đầu tư chấp nhập làm ẩu, thường là khảo sát không kỹ, xử lý nền móng không tốt

Nguyên nhân là do chi phí khảo sát có thể làm “đội” chi phí đầu tư lên gấp 1,5 - 2 lần nhưng chủ đầu tư lại không nghĩ đến hậu quả là khi nhà bị nghiêng, lún thì chi phí khắc phục có khi gấp 3- 4 lần tiền xây ngôi nhà” - ông Phan Phùng Sanh phân tích.

Để giải quyết thực trạng này, ông Sanh đề xuất: Cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng cần lập bản đồ chi tiết địa chất công trình và phải thường xuyên cập nhật, bổ sung liên tục để cung cấp cho người dân khi họ có nhu cầu.

 


“Giải cứu” nhà nghiêng ở Hà Nội

Chiều 8-4, ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa – Hà Nội, cho biết đại diện chủ nhà nghiêng số 14, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh đã ký hợp đồng với đơn vị thi công của “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh để “giải cứu” ngôi nhà.

Theo ông Khánh, móng của ngôi nhà này chỉ chịu được sức nặng của 3 - 3,5 tầng nhưng chủ nhà đã xây tới tầng thứ 5 nên hiện tượng lún là điều tất yếu. Bên cạnh đó, do một số công trình cao tầng xây dựng xung quanh khu vực này có thiết kế tầng hầm sâu nên nhiều hộ dân ngõ 91, trong đó có nhà số 14, bị lún.

Dự kiến sáng 9-4, nhân công bắt đầu chống đỡ công trình để bảo đảm an toàn trước khi tiến hành các công đoạn thi công. “Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh cho biết toàn bộ quá trình xử lý sẽ mất khoảng 2 tháng rưỡi.


Theo - Người Lao Động


 


  • Chia sẻ :