NHIỆM VỤ, PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT KHẢO SÁT

DỰ TOÁN KHẢO SÁT, KINH PHÍ CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

CÔNG TÁC TƯ VẤN KHẢO SÁT, LẬP BÁO CÁO KINH TẾ KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

 

DỰ ÁN: CẢI TẠO, NÂNG CẤP CỐNG TÂY

 (GIAI ĐOẠN LẬP BÁO CÁO KINH TẾ KỸ THUẬT)

 


Các căn cứ:

- Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QHH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá 11 kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 của Quốc Hội khóa XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005;

- Nghị định 209/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ ban hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ ban hành về quản lý chi phí đẩu tư xây dựng công trình;

- Nghị định 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ ban hành về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đẩu tư xây dựng công trình;

- Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội (mới) các văn bản Quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách do UBND thành phố Hà Nội (cũ), UBND tỉnh Hà Tây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành trước ngày 01/8/2008;

- Quy định số 1010/UBND – CNXD ngày 06 tháng 3 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc điều chỉnh giá vật liệu, hợp đồng và dự toán xây dựng công trình;

- Thông tư 12/2008/TT-BXD ngày 07/5/2008 về việc hướng dẫn lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng;

- Quyết định số 414/2008/QĐ-UBND ngày 28/12/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc Ban hành qui định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sáh nhà nước của tỉnh Hà Tây;

- Văn bản số 3220/UBND-XDDT ngày 24/7/2006 của UBND Thành phố Hà nội về việc thu Lệ phí thẩm định và phí xây dựng công trình;

- Đơn giá khảo sát xây dựng công trình ban hành kèm theo công bố số 233/LS/XD-TC ngày 27/02/2008 của Liên sở Tài chính – Xây dựng Hà Tây;

- Căn cứ Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 02/12/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Cống Tây, TT Phùng, Đan Phượng, Hà Nội;

Để có đủ tài liệu địa hình, địa chất phục vụ công tác lập báo cáo kinh tế kỹ thuật các hạng mục công trình thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp công trình Cống Tây. Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp Cống Tây xin được tiến hành lập Nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư với các nội dung sau:


PHẦN I: NHIỆM VỤ KHẢO SÁT XÂY DỰNG

I. MỤC ĐÍCH KHẢO SÁT

1. Mục đích khảo sát địa hình:

- Xác định chính xác vị trí các hạng mục công trình;

- Đánh giá được cụ thể điều kiện địa hình tuyến cần khảo sát trên cơ sở đó đề xuất biện pháp thi công công trình;

- Xác định được tương đối chính xác khối lượng, xác định được tổng mức đầu tư.

2. Mục đích khảo sát địa chất:

- Mục đích của công tác khảo sát địa chất là cung cấp các thông số về điều kiện địa chất công trình và các hoạt động địa chất khác khu vực xây dựng công trình phục vụ cho việc thiết kế;

- Đánh giá tính khả thi của dự án về mặt địa chất công trình;

- Đề xuất các biện pháp để xử lý các vấn nền móng công trình;

- Xác định được tương đối chính xác khối lượng, xác định được tổng mức đầu tư.

II. PHẠM VI KHẢO SÁT

1. Danh mục công việc:

Theo Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 02/12/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Cống Tây, TT Phùng, Đan Phượng, Hà Nội;

2. Phạm vi khảo sát:

a. Khảo sát địa hình:

Phạm vi khảo sát:

- Đo bình đồ khu vực xây dựng cống tiêu;

- Đo trắc dọc, trắc ngang tuyến cống tiêu;

- Đo trắc dọc, trắc ngang tuyến kè phía hạ lưu cống;

* Đo dẫn thuỷ chuẩn

Hệ cao độ sử dụng là hệ cao độ nhà nước mà hệ thống thuỷ nông Đan Phượng đang dùng cho phù hợp với tài liệu từ trước đến nay;

Mốc cao độ nằm ngay trong khu vực xây dựng Cống Tiêu;

Với khu vực cống tiêu được tiến hành lập lưới thuỷ chuẩn hạng IV và lưới thuỷ chuẩn kỹ thuật.

- Đo dẫn thủy chuẩn hạng IV: 1,0 Km

- Đo dẫn thủy chuẩn kỹ thuật: 1,0 Km

* Lưới khống chế mặt bằng

Hệ toạ độ sử dụng là hệ toạ độ nằm trong hệ VN 2000.

Số lượng điểm đường chuyền cấp 1 cần phải lập là: 3 điểm

Số lượng điểm đường chuyền cấp 2 cần phải lập là: 4 điểm

* Đo bình đồ

Trên bình đồ cần thể hiện rõ các điểm địa hình, địa vật như: Nhà cửa, cầu cống, ruộng vườn mồ mả, đền thờ ... sao cho có thể nêu bật phạm vi công trình chiếm chỗ, chiều dài tuyến công trình nhằm phục vụ công tác thi công sau này. Phần dưới nước cần thể hiện rõ độ nông, sâu... trong phạm vi công trình;

Đo vẽ bình đồ vị trí cống tiêu tỷ lệ 1/200, đường đồng mức h=0,5m.

Phạm vi đo vẽ: Gồm thượng lưu cống, vị trí cống (phần đê và đường QL 32 cũ) và phần hạ lưu cống:

- Phía thượng lưu cống đo rộng ra 35m tính từ cửa vào cống cũ;

- Phạm vi cống dài 30m;

- Phía hạ lưu cống đo rộng ra 35m tính từ cửa vào cống cũ;

- Tính từ tim cống cũ, mỗi bên đo rộng ra 40m;

* Đo mặt cắt dọc:

Đo mặt cắt dọc theo chiều dài tuyến công trình. Trên mặt cắt dọc cần thể hiện rõ độ dốc dọc, vị trí và khoảng cách các cọc cắt ngang, các điểm đầu tuyến và điểm cuối tuyến công trình;

Cắt dọc tuyến cống khảo sát một tuyến tại tim cống cũ.

Cắt dọc tuyến kè hạ khảo sát một tuyến dọc theo tuyến dự kiến kè.

Phía dưới bản vẽ cắt dọc phải sơ hoạ các công trình trên tuyến, đường, nhà cửa, các địa vật khác nằm trong khu vực đo vẽ. Đối với cắt dọc cống tiêu phải có đầy đủ kích thước khẩu độ, cao độ đáy, cao độ đỉnh của cống cũ, vị trí của các cọc.

Trung bình cứ 15m có một điểm cắt dọc, nếu địa hình thay đổi phải đo theo sự biến đổi của địa hình;

* Đo mặt cắt ngang:

Đo mặt cắt ngang tỉ lệ 1/200. Mặt cắt ngang yêu cầu thể hiện chính xác địa hình các khu vực có ảnh hưởng đến khối lượng và biện pháp thi công công trình.

Khoảng cách các điểm đo chi tiết không được vượt quá 2-3 m/1điểm; với địa hình đặc biệt khoảng cách các điểm đo có thể ngắn hơn. Đối với địa hình đặc biệt hoặc có sự thay đổi đột ngột thì đo theo địa hình đó không phân biệt khoảng cách. Các điểm đo chi tiết thể hiện được sự thay đổi địa hình, địa vật và các đặc điểm chính của công trình,...

Đặt máy tại các cọc đã được xác định trên tuyến tiến hành đo các mặt cắt ngang tuyến và hướng đo của các mặt cắt phải vuông góc với tim cắt dọc;

Trên mặt cắt ngang đi qua khu vực có nhà dân phải đo chi tiết và phải thể hiện được kích thước từ tim (trên cắt dọc) đến mép nhà hoặc các công trình phụ trợ khác.

Độ rộng mặt cắt ngang đo bằng 1,2 đến 1,5 lần tính từ chân tuyến công trình dự kiến thiết kế. Nếu có địa vật cần thể hiện chính xác.

Tuyến cống tiêu: Mật độ 15m/MC, chiều rộng trung bình là 35m/MC

Tuyến kè hạ lưu cống: Mật độ 15m/MC, chiều rộng trung bình là 20m/MC

b. Khảo sát địa chất:

Khảo sát địa chất nhằm mục đích cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết về địa kỹ thuật trong khu vực dự kiến xây dựng công trình, làm cơ sở để chọn vị trí hợp lý và thiết kế các hạng mục công trình;

Xác định chính xác được địa tầng, vẽ được mặt cắt địa chất tại các vị trí dự kiến bố trí công trình;

Xác định được đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý của đất nền phục vụ cho bước thiết kế bản vẽ thi công (theo phương pháp cắt nén 1 trục).

III. PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT

1. Khảo sát địa hình:

a. Công tác khống chế cao độ:

Tại các khu vực, vị trí cần khảo sát tiến hành lập lưới thuỷ chuẩn hạng IV và thuỷ chuẩn kỹ thuật từ tối thiểu 02 mốc đã có của khu vực xây dựng hoặc các mốc cấp cao hơn (thuộc cao độ Quốc gia hệ Hòn Dấu - mốc VN72); trường hợp đặc biệt do các mốc khống chế ở quá xa khu vực khảo sát đề nghị cho phép đo khép kín từ 01 mốc xuất phát dẫn chuyền về chính mốc đó và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm về công tác dẫn thủy chuẩn kỹ thuật.

Dẫn độ cao bằng phương pháp đo cao hình học: Dùng máy thuỷ bình Ni-030, Ni-025 vv…( hoặc các máy có độ chính xác tương đối) và mia 3m, 2 mặt số đo theo qui trình, qui phạm cho phép.

Các mốc cao độ phục vụ cho công tác thi công tuyến công trình ngoài thực địa trung bình khoảng 500 m cần chôn một mốc (nếu chiều dài công trình thi công > 500 m) và (nếu < 500 m) thì cần có 01 mốc cao độ.

Tính toán bình sai và kết quả đo:

Sau khi có các kết quả đo đạc ngoài thực địa, công tác kiểm tra, tính toán sổ sách được thực hiện cẩn thận tính các trị số chênh cao và chiều dài tuyến đo (có sơ đồ lưới, tuyến đo, sơ hoạ mốc cao độ). Bình sai kết quả đo lưới thuỷ chuẩn theo phần mềm chuyên dụng.

 b. Công tác khống chế mặt bằng:

Do chỉ đo bình đồ khu vực xây dựng cống vì vậy việc lập lưới khống chế mặt bằng đường chuyền cấp I và cấp II phục vụ công tác đo vẽ bình đồ các loại tỷ lệ là ưu điểm nhất.

Từ các mốc khống chế mặt bằng mà khu vực xây dựng đang dùng đã được đo về khu vực xây dựng cống tiến hành thiết kế và đo vẽ các lưới đường chuyền cấp I, II nằm bao quanh và dọc tuyến công trình nhằm phục vụ công tác đo vẽ bình đồ địa hình khu vực xây dựng cống;

Lưới đường chuyền cấp I bố trí xung quanh khu vực công trình, lưới đường chuyền cấp II bố trí dọc tuyến công trình (số lượng điểm khống chế đường chuyền cấp II không phụ thuộc vào mức độ dài, ngắn của tuyến công trình mà chỉ phụ thuộc vào vị trí của 02 mốc khống chế đường chuyền cấp 1 hoặc điểm khống chế cấp cao khác).

Quy trình thành lập lưới đường chuyền cấp I, II phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy định.

Tính toán bình sai và kết quả đo.

Sau khi có các kết quả đo đạc ngoài thực địa, công tác kiểm tra, tính toán sổ sách được thực hiện cẩn thận tính các trị số đo góc, cạnh, chênh cao và chiều dài tuyến đo v.v…(có đồ hình lưới đo, sơ đồ lưới đo, tuyến đo, sơ hoạ mốc toạ độ). Bình sai kết quả đo theo phương pháp chặt chẽ với phần mềm chuyên dùng.

c. Đo vẽ bình đồ:

Trước khi tiến hành đo vẽ bình đồ cần nghiên cứu kỹ khu vực cần đo; sau khi lập xong lưới khống chế mặt bằng đường chuyền cấp I, II, tiến hành xây dựng lưới đường chuyền đo vẽ và trực tiếp đo vẽ bình đồ. Trên bình đồ phải thể hiện được các yếu tố hiện trạng của địa hình, địa vật như nhà cửa, cầu cống, kênh mương, ruộng vườn vv... liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của công trình cần đo theo chu vi và thể hiện được phần diện tích cần đền bù (nếu có), GPMB trên bình đồ. Đồng thời trên bình đồ cần thể hiện đầy đủ hình dáng, kích thước các điểm địa hình, địa vật v.v…Ngoài ra trên bình đồ còn phải thể hiện được đầy đủ: các điểm khống chế mặt bằng (ĐC2 ); các điểm mốc cao độ phục vụ công tác kiểm tra công trình; các vị trí cọc cắt ngang và các điểm đo cắt ngang.

Các số liệu đo được nhập vào máy tính vẽ trên phần mềm chuyên dùng.

Việc định tâm máy bằng dọi tâm quang học với sai số dọi tâm là 2mm; gương được dựng trực tiếp lên mốc dùng 3 chân chống để định vị, trên thân gương có gắn bọt thuỷ tròn với sai số dọi tâm là 5mm (với thiết bị đo là máy toàn đạc điện tử ).

  • Đo góc:

Góc trong đường chuyền được đo bằng phương pháp đo góc đơn. Trên 1 trạm máy mỗi góc được đo 2 lần, theo 2 chiều thuận và đảo hướng mở đầu cho các lần đo tính theo công thức:

Y = 180/n

- Chênh lệch giá trị biến động 2C cho 2 nửa lần đo lớn nhất trong các trạm máy của các tuyến lớn nhất là ± 6’’

- Chênh lệch hướng mở đầu cho 1 nửa lần đo luôn nhỏ hơn ± 6’’

- Chênh lệch giá trị góc trung bình của các lần đo luôn nhỏ hơn ± 8’’

  • Đo cạnh:

Cạnh trong đường chuyền được đo cùng thời gian với khi đo góc bằng: Các thông số hiệu chỉnh nhiệt độ ngoài trời, áp suất khí quyển được nạp vào máy và máy tự động hiệu chỉnh khi đo.

Trên 1 cạnh của đường chuyền được đo 2 lần theo 2 chiều thuận và nghịch, mỗi lần đọc 3 giá trị mỗi giá trị đo cách nhau 10 phút.

Cạnh đưa vào tính toán là số trung bình cộng của 6 lần đọc số (3 lần đọc lần đi và 3 lần đọc lần về) giá trị chênh lệch giữa đo đi và đo về trên một cạnh lớn nhất là ±5mm.

d. Đo mặt cắt dọc:

Các điểm đo chi tiết thể hiện được sự thay đổi địa hình, địa vật của công trình; khoảng cách các điểm đo phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy phạm; đối với địa hình đặc biệt hoặc có sự thay đổi đột ngột thì đo theo địa hình đó không phân biệt khoảng cách và phải phản ánh được chiều dài tuyến công trình, khoảng cách và vị trí các mặt cắt ngang, các đặc điểm chính của công trình vv…

e. Đo mặt cắt ngang:

Khoảng cách các điểm đo chi tiết không được vượt quá 2 ¸ 3m; với địa hình đặc biệt khoảng cách các điểm đo có thể ngắn hơn. Đối với địa hình đặc biệt hoặc có sự thay đổi đột ngột thì đo theo địa hình đó không phân biệt khoảng cách. Các điểm đo chi tiết thể hiện được sự thay đổi địa hình, địa vật và các đặc điểm chính của công trình vv…

Đặt máy tại các cọc đã được xác định trên tuyến tiến hành đo các mặt cắt ngang tuyến : chú ý hướng đo của các mặt cắt phải vuông góc với công trình cần khảo sát, thiết kế:

f. Đúc và chôn mốc cao độ:

Cứ 100m chôn một mốc cao độ. Kích thước của mốc: 12x12x40 cm

2. Công tác khảo sát địa chất:

- Quy trình khoan phải tuân theo các tiêu chuẩn 22 TCN 259 - 2000 và các quy định hiện hành;

a. Công tác khoan:

- Dùng phương pháp khoan máy: Khoan guồng xoắn lấy mẫu liên tục từ trên xuống dưới. Xác định chính xác các thay đổi của địa tầng từ trên xuống dưới. Phân chia ranh giới các lớp đất có tính chất vật lý tương đương. Tại các vị trí khoan gặp cát bở rời trong tầng bão hoà nước dùng ống chống thành hố khoan tránh bị sập thành hố để đảm bảo cho công tác lấy mẫu kiểm tra và mẫu thí nghiệm của các lớp phía dưới.

- Vị trí các hố khoan được xác định bằng máy toàn đạc tại hiện trường.

- Sau khi khoan việc lấp hố khoan phải tiến hành theo trình tự lấp đầm nén trong lỗ khoan theo đặc thù vật liệu các lớp của lỗ khoan với quy định Vlấp/Vlỗ = 1,2.

b. Công tác lấy mẫu và thí nghiệm:

- Trong các hố khoan sẽ lấy mẫu kiểm tra liên tục dọc theo hố từ trên xuống dưới. Khi địa tầng thay đổi sẽ lẫy mẫu nguyên dạng đặc trưng cho các lớp để gửi thí nghiệm. Mỗi lớp đất lấy ít nhất 3-6 mẫu nguyên dạng gửi thí nghiệm trong phòng. Vì chưa biết số lượng các lớp đất nên tạm đề nghị khoảng 2m lấy 1 mẫu. Mẫu đất phải được bảo vệ cẩn thận trong hộp cứng và bọc kín chống mất nước và đảm bảo tính nguyện dạng (tuân theo tiêu chuẩn hiện hành);

- Thí nghiệm ngoài trời: Thí nghiệm cắt cánh trong đất mềm yếu và thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT) trong các lớp đất còn lại dưới nền công trình. Tại mỗi lớp đất có không ít hơn 3 giá trị (đất yếu) và 3 giá trị SPT (lớp đất còn lại);

- Thí nghiệm trong phòng: Thí nghiệm mẫu đất nguyên dạng 17 chỉ tiêu; Thí nghiệm đầm nện tiêu chuẩn (quy trình thí nghiệm theo đúng với tiêu chuẩn hiện hành).

c. Công tác mô tả:

Công tác mô tả hiện trường phải thực hiện theo từng hiệp khoan. Mô tả trung thực, chi tiết, mầu sắc, trạng thái và các thành phần hỗn hợp, cảm giác khi bóp, miết trên tay.

Tất cả các tài liệu ghi chép được bảo quản đầy đủ và giao nộp cùng với hình trụ lỗ khoan. Mỗi hạng mục khảo sát phải lập 2 bản nghiệm thu tại hiện trường.

3. Thiết bị sử dụng:

Máy móc và các thiết bị phục vụ công tác khảo sát đều phải được kiểm nghiệm, kiểm tra đảm bảo các yêu cầy kỹ thuật cho công tác khảo sát địa hình, địa chất.

a. Thiết bị phục vụ công tác khảo sát địa hình:

Máy toàn đạc điện tử Leica TC -705, TC-305, TC-307 độ chính xác đo góc ±0,1”; và độ chính xác đo cạnh ±0.05 mm và bộ gương đi kèm (hoặc các máy toàn đạc điện tử, kinh vĩ cơ có độ chính xác cho phép) ; máy thuỷ bình Ni-030, Ni-025 vv…( hoặc các máy có độ chính xác tương) và mia 3m, 2 mặt số.

b. Thiết bị phục vụ công tác khảo sát địa chất:

Các thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ công tác khoan địa chất tại hiện trường hoặc công tác thí nghiệm trong phòng (khoan máy, máy đầm, cân vv...)

IV. CÁC TIÊU CHUẨN KHẢO SÁT ÁP DỤNG.

- Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 145 – 2005 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn lập đề cương khảo sát thiết kế công trình thuỷ lợi;

- Tiêu chuẩn TCXDVN 309 – 2004 của Bộ Xây dựng quy định “Công tác trắc địa trong xây dựng”

- Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 186 : 2006 của Bộ NN và PTNT quy định về “Thành phần, khối lượng khảo sát địa hình trong các giai đoạn lập dự án và thiết kế công trình Thuỷ Lợi”.

- Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 195 : 2006 của Bộ NN và PTNT quy định về “ Thành phần , khối lượng khảo sát địa chất trong các giai đoạn lập dự án và thiết kế công trình thuỷ lợi”

- 14 TCN 22 -2002: Quy phạm khống chế mặt bằng cơ sở trong công trình thuỷ lợi.

- 14 TCN 141 -2005: Quy phạm đo vẽ mặt cắt, bình đồ địa hình công trình thuỷ lợi.

- Các tiêu chuẩn quy trình quy phạm khác có liên quan.

V. THỜI GIAN THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHẢO SÁT.

Để đảm bảo tiến độ thi công cho dự án: Cải tạo, nâng cấp Cống Tây, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp Cống Tây xẽ tiến hành ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.

VI. KHỐI LƯỢNG, NỘI DUNG CÁC HẠNG MỤC KHẢO SÁT.

1. Khảo sát địa hình:

a. Thủy chuẩn hạng IV (Địa hình cấp III):

Thủy chuẩn hạng IV được lập từ mốc dọc đường chuyền xung quanh khu vực công trình;

Tổng chiều dài tuyến thủy chuẩn hạng IV L=1,0 Km.

b. Thủy chuẩn kỹ thuật (Địa hình cấp III):

Thủy chuẩn kỹ thuật được lập trên cơ sở xây dựng từ lưới thủy chuẩn hạng IV đã được xây dựng;

Tổng chiều dài tuyến thủy chuẩn kỹ thuật L=1,0 Km.

c. Lưới khống chế mặt bằng (Địa hình cấp III)

Từ các mốc khống chế mặt bằng mà khu vực xây dựng đang dùng hoặc hệ VN 2000 (thuộc hệ tọa độ Quốc gia) sau khi đã được dẫn về khu vực xây dựng cống tiến hành thiết kế và đo vẽ các lưới đường chuyền cấp I, II nằm xung quanh khu vực xây dựng cống và dọc tuyến cống và kè nhằm phục vụ công tác đo vẽ bình đồ địa hình.

Số lượng điểm đường chuyền cấp I cần lập là: 3 điểm

Số lượng điểm đường chuyền cấp II cần lập là: 4 điểm

d. Đo vẽ bình đồ (Tỷ lệ 1/200, H=0,5m)

Chỉ đo bình đồ khu vực xây dựng cống, với diện tích đo 0,8 ha.

e. Mặt cắt dọc (Địa hình cấp III)

- Tỷ lệ đứng = tỷ lệ ngang = 1/200

- Đo vẽ trắc dọc cống : 0,1 Km

- Đo vẽ trắc dọc tuyến kè hạ lưu cống : 0,07 Km

(Bảng phụ lục 01 kèm theo)

f. Mặt cắt ngang (Địa hình cấp III)

- Tỷ lệ 1/200

Cắt ngang được đo rộng sang hai bên bằng 1,2 đến 1,5 lần tính từ chân tuyến công trình dự kiến thiết kế. những vị trí mà hai bên có nhà cửa của dân cần đo rông hơn khoảng cách trên;

- Cắt ngang cống tiêu: 0,25 Km

- Đo trắc tuyến kè hạ lưu cống : 0,12 Km

g. Chôn mốc cao độ

Mốc cao độ: 2 mốc

Mốc tọa độ: 03 mốc

2. Khảo sát địa chất

Khảo sát địa chất tại vị trí xây dựng cống tiêu và tuyến kè hạ lưu cống.

- Khối lượng:

+ Khoan máy trên cạn 08 hố cụ thể: Cống tiêu 06 hố (bên trái cống cũ 03 hố; bên phải cống cũ 03 hố); Tuyến kè hạ lưu cống 02 hố. Chiều sâu trung bình 15m, tổng chiều dài khoan là: 120m

+ Thí nghiệm mẫu đất nguyên dạng (17 chỉ tiêu): 25 mẫu;

+ Ép nước thí nghiệm: 04 đoạn;

+ Thí nghiệm mẫu đầm nện tiêu chuẩn: 04 mẫu;

 

PHẦN 2: PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT KHẢO SÁT XÂY DỰNG

I. KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH.

1. Chuẩn bị:

- Thiết kế sơ bộ lưới khống chế mặt bằng ĐC2 cho khu đo trên tài liệu ( bản đồ khu vực 1/10000; 1/5000 vv…)

- Tìm hiểu, điều tra lại các tài liệu về toạ độ, hệ cao độ, về khí tượng, thuỷ văn, địa chất.

- Lập kế hoạch triển khai.

2. Phương pháp bố trí tuyến đo:

Dùng máy toàn đạc điện tử TC 705 (hoặc các máy có độ chính xác tương đương): đặt máy tại các điểm cao độ đã có trong khu vực xây dựng cống làm cơ sở để gắn độ cao vào các điểm định vị mặt cắt. Số đo cao máy và cao gương đo đến 1mm, số đọc giá trị Δh trên gương đọc đến 1mm. Giá trị tính toán là giá trị trung bình giữa lần đo thuận và đảo và trung bình giữa đo đi và đo về với sai số giữa hai lần đo đi và đo về là ± 2 mm.

3. Lưới cao, tọa độ:

Sử dụng các mốc cao, tọa độ trong phạm vi khu vực xây dựng cống:

Lưu ý: lưới khống chế cao độ kỹ thuật được dẫn khép tối thiểu từ 02 mốc độ cao hạng IV đã được thành lập trên khu vực xây dựng cống (hoặc các mốc tương đương- hệ VN 72 hoặc các mốc hạng cao hơn ) bằng phương pháp đo cao hình học; Trường hợp đặc biệt thì đề nghị cho phép dẫn thủy chuẩn kỹ thuật từ 01 mốc xuất phát dẫn về chính mốc đó. Dùng máy thuỷ bình Ni-030, Ni-025 ( hoặc máy có độ chính xác tương đương ) và mia 3m, 2 mặt số. Dẫn truyền độ cao vào các cọc trắc dọc, trắc ngang, trạm đứng máy đo vẽ chi tiết , v.v..Vị trí các mốc được đặt gần các công trình cố định hoặc các điểm địa vật không thay đổi. Các cọc mốc cao độ là cọc bê tông hình tam giác, mỗi cạnh 12cm dài 40cm.

Sai số cho phép dẫn thuỷ chuẩn kỹ thuật tính theo công thức:

fhcp = 50ÖL

(fhcp – sai số khép cho phép tính bằng mm)

(L – khoảng cách giữa hai mốc thuỷ chuẩn cấp cao tính bằng km)

4. Lập lưới đường chuyền cấp I, II.

Trên cơ sở hệ thống các điểm khống chế cấp cao đã có, tiến hành xây dựng lưới khống chế đường chuyền cấp I và cấp II để phụ vụ đo vẽ chi tiết lập bình đồ.

Theo tiêu chuẩn 14TCN 165: 2006 của Bộ NN và PTNT. Mật độ khống chế điểm của đường chuyền cấp I, II được xác định như sau (Phụ lục A mục A.3.2):

- Bình đồ 1/1000,1/500, 1/200: mật độ điểm tăng lên 1,5 đến 2,0 lần.

Các mốc cao độ và mốc khống chế được bố trí tại thực địa sao cho việc đưa công trình ra thực tế được thuận tiện khi thi công.

Các góc, cạnh của lưới đường chuyền cấp 2 được đo bằng máy toàn đạc điện tử TC-305, TC-307 (Thuỵ Sỹ sản xuất) hoặc các máy có độ chính xác cho phép. Máy có độ chính xác đọc góc đến 1”, cạnh đọc đến 1mm. Góc được đo 02 vòng cho tất cả các trạm đo. Giữa các lần đo phải dịch chuyển bàn độ theo công thức:

d = 1800 /n

n: số vòng đo

5. Đo vẽ bình đồ ( Tỷ lệ 1/200):

Thiết bị đo vẽ các điểm chi tiết: là máy toàn đạc điện tử: TC- 307 ,TC 305 và gương đơn (hoặc các máy kinh vĩ cơ có độ chính xác cho phép). Kết quả đo chi tiết được ghi vào máy đo sau đó được trút vào máy tính để tính toán và đo vẽ bản đồ. Khoảng cách các điểm đo chi tiết trên bản đồ đối với bình đồ 1/200 là từ 4-8m có 01 điểm mia. Trên bình đồ thể hiện đầy đủ hình dáng, kích thước của địa hình, địa vật nằm trong phạm vi đo.

Các nội dung trọng tâm được thể hiện bao gồm:

+ Vị trí công trình cần thiết kế, thi công.

+ Địa hình, địa vật khu vực cần đền bù, GPMB nhà dân vv...

6. Đo mặt cắt dọc:

Việc xác định tuyến đo, định vị các mặt cắt ngang trên tuyến (vị trí mặt cắt và khoảng cách các m/c) được tiến hành trước tiên.

Các điểm đo chi tiết thể hiện được sự thay đổi địa hình, địa vật của công trình;

7. Đo mặt cắt ngang:

Định vị hướng đo các mặt cắt ngang trên tuyến (các mặt cắt ngang phải vuông góc với tuyến đo; vị trí mặt cắt, khoảng cách các m/c bố trí cho phù hợp với yêu cầu đề ra và nhất thiết phải bố trí đo các m/c, các điểm đo tại những chỗ địa hình thay đổi đột biến).

Khoảng cách các điểm đo chi tiết không được vượt quá 2÷3 m; với địa hình đặc biệt khoảng cách các điểm đo có thể ngắn hơn. Các điểm đo chi tiết thể hiện được sự thay đổi địa hình, địa vật và các đặc điểm chính của công trình và được thể hiện bằng độ chênh cao, độ rộng.

8. Đúc và chôn mốc (cao độ, toạ độ):

a. Mốc cao độ:

Các mốc cao độ phục vụ cho công tác thi công khoảng 0,1km cần chôn một mốc. Vị trí các mốc được đặt gần các công trình cố định hoặc các điểm địa vật không thay đổi. Các cọc mốc cao độ là cọc bê tông hình tam giác, mỗi cạnh 12cm dài 40cm.

b. Mốc mặt bằng ( toạ độ ĐC2):

Trên mặt mốc phải gắn đinh hoặc đánh dấu chữ thập và phải có ký hiệu, số hiệu mốc. Vị trí các mốc được đặt gần các công trình cố định hoặc các điểm địa vật không thay đổi và thuận lợi cho việc phát triển các điểm của lưới đo vẽ. Kích thước của mốc: 12x12x40 cm

II. KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT.

Quá trình khoan, đào hố địa chất được tiến hành theo đúng quy trình, mô tả, ghi chép tỉ mỉ. Mẫu nguyên dạng, mẫu phá huỷ được tiến hành đóng và lấy mẫu theo đúng quy trình, mẫu đất được lấy đảm bảo theo trạng thái tự nhiên của đất, được bảo quản, vận chuyển và thí nghiệm theo đúng các quy trình, quy phạm hiện hành.

III. TỔ CHỨC THI CÔNG

1. Khảo sát địa hình:

Căn cứ các số liệu đã có và địa hình, địa vật ngoài thực tế tổ chức 01 tổ đo (biên chế tổ đo 4 người)

Trình tự thực hiện như sau:

- Dẫn thuỷ chuẩn kỹ thuật cho toàn bộ khu vực xây dựng công trình

- Xây dựng lưới khống chế đường chuyền cấp I, II và đo vẽ bình đồ khu đầu mối.

- Đo vẽ cắt dọc, cắt ngang tuyến cống, tuyến kè hạ lưu cống

Kết quả đo ở hiện trường được cung cấp kịp thời cho bộ phận nội nghiệp tính toán kiểm tra và vẽ.

-Tiến độ thực hiện: Ngay sau khi có quyết định chỉ định thầu gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

2. Khảo sát địa chất:

Căn cứ các số liệu đã có và địa hình, địa vật ngoài thực tế tổ chức 01 tổ thực hiện (biên chế mỗi tổ 4 người)

Trình tự thực hiện như sau:

- Xác định cao, toạ độ hố khoan;

- Tiến hành khoan địa chất, lấy mẫu;

- Lấp hố khoan theo quy định;

Kết quả khảo sát ở hiện trường được cung cấp kịp thời cho bộ phận nội nghiệp tính toán, thí nghiệm, kiểm tra và vẽ.

-Tiến độ thực hiện: Ngay sau khi có quyết định chỉ định thầu gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.


PHẦN 3: HỒ SƠ BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH, ĐỊA CHẤT

I. BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT

Gồm những nội dung sau:

- Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng

- Đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình

- Vị trí, điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát xây dựng

- Tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng

- Khối lượng khảo sát bao gồm:

+ Bình đồ 1/200: số lượng mảnh, diện tích

+ Khối lượng trắc dọc và số lượng mặt cắt dọc

+ Khối lượng trắc ngang và số lượng mặt cắt ngang

+ Khối lượng điểm đường chuyền cấp I ( và số lượng mốc)

+ Khối lượng điểm đường chuyền cấp II ( và số lượng mốc)

+ Khối lượng thuỷ chuẩn hạng IV

+ Khối lượng thuỷ chuẩn kỹ thuật

+ Khối lượng mốc cao độ, toạ độ (có đồ hình lưới đo, sơ hoạ mốc kèm theo)

+ Khối lượng hố đào địa chất, số lượng mẫu thí nghiệm v.v..

- Quy trình, phương pháp đo vẽ, tính toán bình sai lưới đường chuyền cấp I, II (có đồ hình lưới đo, sơ hoạ điểm đường chuyền).

- Máy móc, thiết bị và dụng cụ khảo sát.

- Bàn giao mốc ngoài thực địa: Các điểm đường chuyền cấp I, II, mốc cao, mốc toạ độ.

- Phân tích số liệu, đánh giá kết quả khảo sát

- Đề xuất giải pháp kỹ thuật phục vụ cho việc thiết kế, thi công xây dựng công trình;

- Kết luận và kiến nghị

- Tài liệu tham khảo

- Các phụ lục hồ sơ

II. QUY CÁCH HỒ SƠ

1. Hồ sơ khảo sát địa hình.

Gồm 07 bộ:

- Thuyết minh, báo cáo khảo sát địa hình: khổ A4 giấy trắng cùng loại

- Bình đồ và trắc dọc, khổ A0,A2, A3, A4 giấy trắng cùng loại.

- Trắc ngang, khổ A3, giấy trắng cùng loại

- Đĩa CD ghi nội dung sau:

+ Số liệu đo đạc ngoài thực địa và kết quả, tài liệu khảo sát địa hình, địa chất (bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, báo cáo địa hình, địa chất) gồm: số liệu các điểm đo chi tiết, đo lưới khống chế, đo dẫn mốc thuỷ chuẩn

+ Kết quả bình sai, tính toán số liệu đo

+Đồ hình luới đo mặt bằng, lưới độ cao, sơ hoạ bố trí mốc cao độ, l lưới đường chuyền cấp I, II

2. Hồ sơ khảo sát địa chất:

Gồm 07 bộ:

- Thuyết minh, báo cáo khảo sát địa chất: khổ A4, giấy trắng cùng loại.

- Hồ sơ địa chất công trình nêu rõ kết quả thí nghiệm mẫu, hình trụ hố khoan, hố đào mô tả đất đá vv... trình bày: khổ A4, giấy trắng cùng loại.


PHẦN 4: DỰ TOÁN KINH PHÍ KHẢO SÁT VÀ KINH PHÍ CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

I. CĂN CỨ LẬP DỰ TOÁN.

- Đơn giá khảo sát xây dựng số 1471/2006/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 của UBND tỉnh Hà Tây

- Hệ số điều chỉnh nhân công theo văn bản số 1010/UBND-CNXD ngày 6/3/2008 của UBND tỉnh Hà Tây

- Hệ số điều chỉnh máy thi công theo thông tu số 07/2006/TT-BXD và thông tu 03/2008/TT-BXD

- Căn cứ Thông tư 12/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 5 năm 2008 của Bộ xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng.

- Căn cứ Thông tư số 05/2007/TT- BXD ngày 25/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

- Căn cứ Công văn số 1751/BXD-VP, ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình;

II. DỰ TOÁN KINH PHÍ.

1. Kinh phí khảo sát địa hình địa chất: 185.981.233 đồng

(Bằng chữ:Một trăm tám mươi lăm triệu, chín trăm tám mốt nghìn, hai trăm ba ba đồng)

2. Kinh phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật: 88.746.240 đồng

(Bằng chữ:Tám mươi tám triệu, bảy trăm bốn sáu nghìn, hai trăm bốn mươi đồng)

3. Kinh phí chuẩn bị đầu tư: 302.610.909 đồng

(Bằng chữ:ba trăm linh hai triệu, sáu trăm mười nghìn, chín trăm linh chín đồng)

 



XEM THÊM:

- Tại sao phải khảo sát địa chất công trình?

- Các bước tiến hành khảo sát địa chất

- Sản phẩm, thời gian và chi phí khảo sát địa chất công trình

- Quy trình khoan khảo sát địa chất công trình

- Công tác nghiệm thu ngoài hiện trường

- Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình

- Những sai sót trong công tác khoan khảo sát địa chất

...  Tài liệu khác

 

  • Chia sẻ :